Khác Đọc

Paul Valéry: Vị thế của Baudelaire [1924]

Baudelaire đang ở đỉnh cao vinh quang.

Cuốn sách nhỏ Les Fleurs du Mal, chưa đầy ba trăm trang, có vai trò quan trọng hơn cả những tác phẩm lừng lẫy và đồ sộ nhất trong văn chương. Nó đã được dịch sang hầu hết các ngôn ngữ châu Âu: tôi sẽ nói thêm một chút về điểm này, hiện tượng mà tôi tin là chưa từng có tiền lệ trong lịch sử văn chương Pháp.

Các nhà thơ Pháp nhìn chung ít được biết đến và đánh giá cao ở nước ngoài. Chúng ta dễ dàng được công nhận vai trò hướng đạo trong văn xuôi nhưng hiếm khi được thán phục về thơ. Trật tự và sự chặt chẽ đã thống trị ngôn ngữ của chúng ta kể từ thế kỷ 17, vần luật nghiêm ngặt, sở thích sự gọn, thẳng và rõ, nỗi khiếp sợ sự cường điệu và lố bịch, sự tiết chế trong biểu đạt và xu hướng trừu tượng của suy nghĩ đã tạo ra một thứ thơ khác hẳn với thơ của các dân tộc khác và nói chung khiến họ không thể tiếp cận được. Đối với người nước ngoài, La Fontaine nhạt thếch. Racine là một cuốn sách đóng kín. Hòa âm của ông quá tinh, cấu tứ của ông quá thuần, ngôn ngữ của ông quá thanh, quá nhiều biến ảo tế nhị của sáng và tối, thành thử không khỏi có vẻ thiếu sức sống đối với những ai không hiểu ngôn ngữ chúng ta tới mức thiết thân. Đến Victor Hugo cũng hiếm khi được biết đến bên ngoài nước Pháp trừ địa hạt tiểu thuyết.

Nhưng với Baudelaire, thơ Pháp đã vượt xa biên giới. Nó được đọc trên khắp thế giới; nó được công nhận là thứ thơ đặc trưng của Hiện đại; nó khiến người ta muốn bắt chước, nó làm giàu thêm vô số tinh thần. Swinburne, Gabriele d’Annunzio và Stefan George là những chứng nhân tuyệt vời về ảnh hưởng của Baudelaire ở nước ngoài.

Như thế, tôi có thể nói rằng, dù có thể có những nhà thơ Pháp vĩ đại hơn và được phú bẩm nhiều năng lực hơn Baudelaire, không có nhà thơ nào* quan trọng* hơn ông. Từ đâu mà có tầm quan trọng lạ thường ấy?

Làm thế nào một con người quái đản như Baudelaire lại có thể khơi lên một chuyển động rộng đến vậy?

Ân sủng hậu thế này, sự giàu có tinh thần này, vinh quang tối thượng này không chỉ phụ thuộc vào giá trị của chính ông với tư cách nhà thơ mà còn phụ thuộc vào những tình thế đặc thù. Trí tuệ phê phán gắn liền với năng lực thơ là một trong số đó. Baudelaire gặt được kết hợp hiếm có này nhờ một khám phá lớn. Bản tính ông vốn đầy nhục cảm và khe khắt; ông được phú bẩm một khả năng cảm nhận mà sự khe khắt bắt thực hiện các thí nghiệm hình thức tinh tế nhất; nhưng thiên tư ấy chắc chắn sẽ chỉ khiến ông thành đối thủ của [Théophile] Gautier hoặc một nghệ sĩ Paris xuất sắc nếu sự tò mò không đưa ông đến chỗ khám phá ra một chân trời trí tuệ mới trong các tác phẩm của Edgar Allan Poe. Con quỷ-hộ thần của viễn kiến sáng lòa, thiên tài phân tích, nhà phát minh của những kết hợp mới nhất, quyến mị nhất giữa logic và tưởng tượng, giữa thần bí và tính toán, nhà tâm lý học của cái dị biệt, kỹ thuật gia văn chương miệt mài nghiên cứu và huy động mọi nguồn lực của nghệ thuật - Poe đã hiện ra như thế với ông, nhấn ông chìm vào lòng ngưỡng mộ. Bao nhiêu lần cái nhìn độc đáo và viễn tượng phi thường ấy đã làm ông ngây ngất; chúng biến đổi lối chung quyết tài năng của ông. Hết sức ngoạn mục, số phận của ông sang trang mới.

Tôi sẽ sớm quay lại với tác động của tiếp xúc ma thuật giữa hai tinh thần này. Nhưng trước tiên tôi phải xem xét tình thế đáng chú ý thứ hai trong quá trình khuôn tạo Baudelaire.

Ông giáng thế khi Lãng mạn đang ở đỉnh cao; một thế hệ chói sáng đã chiếm lấy đế chế văn chương. Lamartine, Hugo, Musset, Vigny là những bậc thầy thời ấy.

Hãy đặt mình vào thế của một chàng trai trẻ bước vào tuổi viết năm 1840. Anh ta đã được nuôi dưỡng bởi các tác giả mà bản năng hạ lệnh anh ta phải quét bằng sạch. Sinh mệnh văn chương của anh ta - được họ khơi dậy và nuôi dưỡng, rung động bởi danh tiếng của họ, được hướng lối bởi các tác phẩm của họ - nhất thiết phụ thuộc vào sự phủ định, vào việc lật đổ và thay thế những người đối với anh ta dường như đã lấp đầy mọi ngóc ngách của vinh quang và không chừa chỗ nào cho tồn tại của anh ta. Các ngóc ngách ấy là: một, thế giới các hình thức; hai, thế giới các tình cảm; ba, cái pittoresque [đẹp như/của tranh]; và cuối cùng, độ sâu suy nghĩ.

Vấn đề là bằng mọi giá phải khác hẳn chùm các nhà thơ vĩ đại mà sự tình cờ đã tụ lại thật ngoạn mục vào cùng một thời, với đầy đủ sinh lực.

Nhiệm vụ đặt ra cho Baudelaire có thể và có lẽ nên được phát biểu như sau: “Trở thành một nhà thơ lớn nhưng không phải là Lamartine, Hugo hay Musset.” Tôi không nói rằng những lời này được thốt ra một cách có ý thức, nhưng suy nghĩ ấy chắc chắn đã tồn tại nơi Baudelaire, thậm chí còn là cốt tủy Baudelaire. Đó là lý lẽ tồn tại của ông. Trong địa hạt sáng tạo, cũng là địa hạt của sự kiêu ngạo, mệnh lệnh* phải khác* gắn liền với chính tồn tại. Khi lên khung lời dạo cho *Fleurs du Mal, *Baudelaire đã viết: “Các nhà thơ lừng lẫy từ lâu đã chia nhau những miền đất giàu có nhất của thơ… Do đó, tôi sẽ làm điều gì đó khác…”

Nói tóm lại, Baudelaire được hướng và gò bởi típ tinh thần mình và môi trường của nó; nó càng lúc càng phản đối rõ hệ thống hay sự vắng mặt của hệ thống, được gọi là Lãng mạn.

Tôi sẽ không tìm cách định nghĩa Lãng mạn. Muốn làm thế thì phải mất hết cảm giác về sự nghiêm ngặt. Nhiệm vụ hiện tại của tôi chỉ là tái tạo những phản ứng và trực giác khả dĩ nhất của nhà thơ “ở đúng ngưỡng khởi sinh”, khi đối mặt với văn chương thời mình. Baudelaire nhận được từ văn chương ấy một ấn tượng mà chúng ta có thể tái tạo không mấy khó khăn. Quả thật, nhờ khoảng cách thời gian và các bước phát triển văn học sau này - thậm chí nhờ chính Baudelaire, nhờ tác phẩm của ông và sự thành công của nó - ta có được một phương tiện chắc chắn và đơn giản để tiêm một chút chính xác vào một ý nhất thiết phải mơ hồ, đôi khi được công nhận rộng, đôi khi hoàn toàn tùy tiện về Lãng mạn. Phương pháp này là quan sát những gì theo sau Lãng mạn, những gì đã biến đổi, sửa chữa, phủ định và cuối cùng thay thế nó. Chỉ cần xem xét các chuyển động và các tác phẩm được tạo ra sau nó và chống nó - chúng tất yếu là những hồi ứng chuẩn xác, tự động, không thể tránh đối với bản tính của nó. Như thế, Lãng mạn là cái mà Tự nhiên luận phản đối và Parnassianism [phái Thi Sơn] hợp sức chống lại; chính điều này quyết định tư thế đặc thù của Baudelaire. Đó là tư thế khơi động, gần như đồng thời chống chính mình, ý chí hướng tới sự hoàn hảo - thần bí của “nghệ thuật vị nghệ thuật”; nó đòi một quan sát và trình hiện khách quan sự vật, nói ngắn gọn là đòi một chất rắn hơn và một hình thức tinh hơn, thuần hơn. Không có gì làm sáng tỏ những người Lãng mạn hơn so với các chương trình và xu hướng của thế hệ nối tiếp họ.

Phải chăng các thói tật của Lãng mạn chỉ là những thái quá không thể tách rời khỏi lòng tự tin? Tuổi bồng bột của bất cứ cái mới nào cũng ít nhiều tự phụ. Sự khôn ngoan, tính toán, nói tóm lại, sự hoàn hảo chỉ xuất hiện khi sức mạnh được tiết chế.

Dù thế nào, giai đoạn tiết chế và nghiêm cẩn cũng bắt đầu từ thời tuổi trẻ của Baudelaire. Gautier [nhân vật vô cùng quan trọng với Parnassianism] khơi mào phản đối và phản ứng lại sự lỏng lẻo trong hình thức cũng như sự nghèo nàn và thiếu chính xác của ngôn ngữ. Không lâu sau đó, Sainte-Beuve, Flaubert và Leconte de Lisle, mỗi người theo cách riêng, sẽ chiến đấu chống lại sự bốc, sự thiếu nhất quán về phong cách và cả sự thừa mứa lập dị - Parnassianism và những môn đồ của thực tại luận chấp nhận từ bỏ sự đầy tràn bề mặt và cái hăng hùng biện để đạt được chiều sâu, sự thật cùng chất lượng kỹ thuật và trí tuệ.

Để cho gọn, tôi sẽ nói rằng sự thay thế Lãng mạn bằng những “trường phái” đa dạng này có thể được coi là sự thay thế hành động bộc phát bằng hành động suy tư.

Sản phẩm của Lãng mạn nói chung không trụ được cái đọc chậm và thiếu đồng cảm của những độc giả khó tính và tinh tế.

Baudelaire là một độc giả như vậy. Mối quan tâm lớn nhất - mối quan tâm sống còn - của Baudelaire là khui ra, làm nổi và phóng to tất cả những kém và lầm của Lãng mạn thấy được nơi công trình và nhân cách những đại diện lớn nhất của nó. Lãng mạn đã đến đỉnh, ông hẳn có thể nói, do đó nó nguy rồi, và ông dòm các vị thần và á thần thời đó với cùng con mắt nghi ngờ của Talleyrand và Metternich khi dòm các chủ nhân của thế giới hồi 1807.

Baudelaire đã dòm Victor Hugo đúng như thế, và không phải là không thể đoán được ông nghĩ gì về tượng đài này. Hugo đang ngạo nghễ trên ngôi; ông đã giành được lợi thế lớn hơn hẳn Lamartine: các vật liệu lao động của ông mạnh và chính xác hơn vô vàn. Độ rộng khôn cùng trong khả năng biểu đạt của ông, sự đa dạng trong nhịp của ông, sự phong phú tràn bờ trong hình ảnh của ông đã đè bẹp mọi đối thủ thơ. Nhưng tác phẩm của ông đôi khi nhượng bộ cái thô tục, lạc mình trong sự hùng biện tiên tri và những dấu nháy đơn vô tận. Ông đưa đẩy và ve vãn đám đông, ông cẩu thả buông mình cho các đối thoại tay đôi với Chúa. Sự đơn giản trong triết lý của ông, sự thiếu cân xứng và thiếu mạch lạc của các diễn biến, tương phản thường xuyên giữa những kỳ diệu của chi tiết và sự yếu ớt của chủ đề, sự thiếu nhất quán của tổng thể - nói tóm lại, tất cả những gì có thể gây sốc và do đó hướng lối cho một người quan sát trẻ tuổi không xót thương đối với nghệ thuật của chính mình sau này. Tách khỏi lòng ngưỡng mộ với thiên phú của Hugo, Baudelaire sẽ ghi nhận tất cả những sự thiếu tinh thuần, thiếu cân nhắc, những điểm yếu kém dễ bị tấn công hơn cả trong tác phẩm của ông - tức là những khả thể cho cái sống cùng những cơ hội cho vinh quang mà một nghệ sĩ lớn còn chừa lại.

Với một chút ác ý và hơi quá xảo so với cần thiết, sẽ thật dễ bị cám dỗ lao vào so sánh thơ Victor Hugo với thơ Baudelaire nhằm chỉ ra thơ sau *bổ sung *cho thơ trước khớp đến thế nào. Điểm này không cần dài lời. Rõ ràng Baudelaire đã tìm cách làm những gì Victor Hugo chưa làm; rõ ràng ông đã ngăn mình tạo ra mọi hiệu ứng nơi Victor Hugo đã chứng tỏ bất khả chiến bại; rõ ràng ông đã tìm đường trở lại với một thi pháp nghiêm ngặt tách hẳn văn xuôi; rõ ràng ông đã theo đuổi và hầu như luôn luôn tóm được cách tạo ra sự mị liền mạch, phẩm chất gần như siêu vượt và không thể đánh giá được của một số bài thơ - nhưng hiếm gặp và hiếm khi ở trạng thái thuần trong khối trước tác đồ sộ của Victor Hugo.

Baudelaire không biết, hoặc hầu như không biết, Victor Hugo đoạn cuối, kẻ tạo ra những sai lầm cực độ và những cái đẹp tột cùng.* La Légende des Siècles* xuất hiện hai năm sau Les Fleurs du Mal. Các tác phẩm sau này của Hugo chỉ được xuất bản rất lâu sau khi Baudelaire mất. Chúng có tầm quan trọng kỹ thuật vượt trội so với tất cả các bài thơ khác của Hugo. Đây không phải là chỗ để phát triển ý này, và tôi cũng không có thời gian. Tôi sẽ chỉ phác ra đây một ngoại đề khả dĩ. Thứ khiến tôi choáng nhất ở Victor Hugo là sinh lực vô địch của ông. Sinh lực là tuổi thọ và năng lực lao động kết hợp với nhau - tuổi thọ *nhân với *năng lực lao động. Trong hơn sáu mươi năm, con người phi thường này ngày nào cũng có mặt ở bàn làm việc từ năm giờ sáng đến tận trưa! Ông không ngừng tìm cách tạo ra những kết hợp ngôn ngữ mới, ép chúng, dụ chúng và sung sướng thấy chúng phản hồi. Ông đã viết một hay hai trăm nghìn dòng thơ và đã giành được, nhờ sự luyện tập không ngừng ấy, một lối suy nghĩ lạ lùng mà các nhà phê bình hời hợt đã cố hết sức để đánh giá cho đúng. Nhưng trong sự nghiệp lâu dài ấy, Hugo đã càng lúc càng thiếu chọn lọc, ông mất dần cảm giác về tỉ lệ, ông tọng ứ vào thơ những từ thiếu chuẩn xác, mơ hồ, gây chóng mặt và ông dễ dãi vung vẩy những “vực thẳm”, “vô tận” cùng “cái tuyệt đối” khắp nơi, khiến những từ rùng rợn này mất đến cả cái vẻ sâu sắc. Vậy nhưng ở đoạn cuối đời mình, ông đã viết được những bài thơ thật kỳ diệu - không gì sánh được độ rộng, cấu tạo bên ngoài lẫn vọng âm và độ đầy của chúng! Trong Corde d’airin, trong Dieu, trong Fin de Satan, trong tác phẩm về cái chết của Gautier, người nghệ sĩ bảy mươi tuổi - người đã thấy tất tật đối thủ của mình chết đi và thấy cả một thế hệ nhà thơ sinh ra từ mình, thậm chí còn có thể hưởng lợi từ những bài học không thể ước chừng mà người học trò có thể dạy cho thầy nếu thầy còn sống - đạt đến đỉnh cao của quyền năng thơ và của khoa học cao quý về làm thơ.

Hugo không ngừng học bằng thực hành; Baudelaire, cuộc đời chỉ bằng một nửa Hugo, phải phát triển theo cách khác hẳn. Có thể nói ông phải bù đắp cho sự ngắn ngủi và sự thiếu hụt nhìn thấy trước của cuộc đời bằng cách dùng trí tuệ phê phán mà ở trên tôi đã tả. Nhiều năm được ông dành ra để khám phá cõi riêng của mình, để xác định hình thức và tư thế sẽ mang và lưu giữ tên mình. Không có nhiều thời gian để thực hiện tham vọng văn chương bằng số lượng lớn thử nghiệm và tác phẩm. Ông phải chọn con đường ngắn nhất, hạn chế mò mẫm, tránh lặp lại và chệch hướng. Ông phải dùng phân tích để tìm xem mình là ai, mình có thể làm gì và muốn làm gì, để hợp nhất trong mình các phẩm chất bộc phát của nhà thơ với sự sáng suốt, hoài nghi, sự chú tâm và năng lực lý luận của nhà phê bình.

Chính vì thế Baudelaire, dẫu bản tính là lãng mạn, đôi khi lại có vẻ là một người cổ điển. Có vô số cách để định nghĩa người cổ điển, hoặc vô số cách để nghĩ về việc định nghĩa anh ta. Hôm nay ta sẽ dùng cách này: người cổ điển là một nhà văn mang trong mình một nhà phê bình và gắn chặt nhà phê bình ấy với tác phẩm của mình. Có một Boileau bên trong Racine.

Suy cho cùng, làm sao biết phải chọn gì trong Lãng mạn và làm sao nhìn ra trong nó cái tốt và cái xấu, cái sai và cái đúng cùng cả các yếu kém và phẩm chất, trừ khi ta xử lý các tác giả của nửa đầu thế kỷ 19 như các nhân vật thời Louis XIV xử lý các tác giả thế kỷ 16? Mọi Cổ điển đều mặc định trước nó một Lãng mạn. Tất cả những phẩm chất được gán cho nghệ thuật “cổ điển”, tất cả những phản đối nhắm vào nó đều gắn với tiên đề này. Cổ điển, về cốt yếu, là đến sau. Trật tự mặc định một sự mất trật tự phải được vượt qua. Bố cục, tức là nhân tạo, đến sau những hỗn mang nguyên thủy của trực giác và phun trào tự nhiên. Sự tinh thuần là kết quả của vô số dụng công trong ngôn ngữ và việc theo đuổi hình thức không gì khác là tổ chức lại các phương tiện biểu đạt một cách có suy tính. Cổ điển, do đó, bao hàm những thể động đầy chủ ý và suy tính nhằm điều chỉnh những sinh sản “tự nhiên” cho khớp với một hình dung sáng rõ và *lý trí *về con người và nghệ thuật. Tuy nhiên, như khoa học đã dạy chúng ta, ta chỉ có thể tạo ra một tác phẩm lý trí và tiến hành xây dựng một cách trật tự nhờ các quy ước. Nghệ thuật cổ điển được nhận ra bởi sự tồn tại, tính rõ ràng và tuyệt đối của những quy ước này. Dù là tam hợp, giới luật thi pháp hay các hạn chế về lời, những quy tắc có vẻ tùy tiện ấy tạo nên sức mạnh và điểm yếu của nó. Dẫu ngày nay rất ít được hiểu, rất khó bảo vệ và hầu như không còn thấy, chúng đã sinh ra từ một sự hiểu biết cổ xưa, tinh tế và sâu sắc về các điều kiện tạo thành niềm hân hoan trí tuệ không vẩn đục.

Baudelaire, giữa tâm Lãng mạn, gợi nhắc về một người cổ điển, nhưng chỉ là gợi nhắc, không hơn. Ông chết trẻ, thêm nữa ông còn sống dưới ấn tượng không lấy gì làm đẹp mà tồn tại khốn khổ của Cổ điển thời Đế chế gây cho những người cùng thời mình. Đây không phải là chuyện thổi sự sống vào những gì rõ ràng đã chết; vấn đề là phải tiếp cận, bằng những phương tiện khác, linh hồn đã không còn trú trong cái xác khô.

Những người Lãng mạn đã bỏ bê gần như mọi thứ gì đòi hỏi suy nghĩ phải dồn tụ lại. Họ truy cầu hiệu ứng của cái sốc, cái bốc và cái nghịch. Sự chừng mực, sự nghiêm cẩn lẫn chiều sâu đều không hành hạ họ quá mức. Họ dị ứng với tư duy trừu tượng và lý luận - không chỉ trong các tác phẩm của họ mà còn trong cả việc chuẩn bị các tác phẩm, một công việc nghiêm túc hơn vô vàn. Người Pháp dường như đã quên mất tài phân tích của mình. Ở đây cũng nên nói thêm rằng những người Lãng mạn chống thế kỷ 18 hơn thế kỷ 17 nhiều; họ sẵn sàng buộc tội hời hợt những người uyên bác hơn hẳn họ - những người tò mò hơn về các sự và các ý, sốt sắng hơn trong việc truy cầu cái chính xác và suy nghĩ ở quy mô rộng lớn.

Vào thời điểm khoa học sắp có những bước phát triển vượt bậc, Lãng mạn lại bộc lộ một tinh thần phản khoa học. Dục vọng và phấn hứng đinh ninh rằng chúng là tự đủ.

Nhưng, dưới một bầu trời khác hẳn, giữa lòng một quốc gia vẫn mải miết với phát triển vật chất và hoàn toàn thờ ơ với quá khứ, vẫn đang bận bịu sắp xếp tương lai của mình và trao tự do không giới hạn cho các thí nghiệm đủ mọi loại, vào đúng quãng ấy đã xuất hiện một người biết nhìn các vật của tinh thần với một sự rõ ràng, khôn ngoan, sáng suốt chưa bao giờ đạt được ở cùng mức độ nơi một cái đầu được phú bẩm năng lực sáng tạo thơ. Và một trong số các vật ấy là sản phẩm văn chương. Cho đến Poe, chưa bao giờ vấn đề văn học được xem xét ngay trong tiền đề của nó, quy giản thành một vấn đề tâm lý và được xử lý bằng một phương pháp phân tích trong đó logic và cơ chế của các hiệu ứng được sử dụng một cách có chủ ý. Lần đầu tiên, quan hệ giữa tác phẩm và người đọc được làm sáng tỏ và được coi là nền tảng thực của nghệ thuật. Phân tích này - và tình thế này đảm bảo cho chúng ta về giá trị của nó - có thể áp dụng và được minh xác rõ ràng trong mọi lĩnh vực của sản xuất văn chương. Cùng các quan sát, cùng các phân biệt, cùng các nhận xét định lượng, cùng các ý dẫn lối thích ứng với những tác phẩm thuộc hai loại khác hẳn nhau: một bên phải gây hiệu ứng mạnh và dữ, phải chinh phục công chúng mê đắm những cảm xúc mạnh hoặc những phiêu lưu kỳ lạ; một bên là những hình thức tinh tế nhất của văn chương.

Nói rằng phương pháp phân tích này đứng vững với cả truyện ngắn và thơ, áp dụng được với cả việc xây dựng cái tưởng tượng và cái huyễn ảo lẫn việc tái tạo và trình hiện cái khả dĩ cũng tức là nói rằng nó sở hữu một tính bao quát đáng kinh ngạc. Một đặc điểm của cái thực sự bao quát là khả năng sinh sản lớn. Để đến được điểm từ đó có thể bao trùm được toàn bộ phạm vi hoạt động thì nhất thiết phải nhìn ra được vô số khả thể - những vùng chưa được khám phá, những con đường cần tìm, những vùng đất đất cần khai thác, những thành phố cần xây dựng, những quan hệ cần thiết lập, những phương pháp cần mở rộng. Vì vậy, không có gì đáng ngạc nhiên khi Poe, người sở hữu một phương pháp hiệu quả và chắc chắn đến vậy, cũng là người phát minh ra rất nhiều hình thức, đã cung cấp ví dụ đầu tiên và nổi bật nhất của truyện khoa học, thơ vũ trụ học hiện đại, tiểu thuyết điều tra và cả việc đưa vào văn chương những trạng thái tâm lý bệnh hoạn; chẳng có gì lạ khi mỗi trang của ông đều sáng bừng một trí tuệ không thể thấy ở cùng mức độ trong bất kỳ sự nghiệp văn chương nào khác. Con người vĩ đại này ngày nay hẳn sẽ hoàn toàn bị lãng quên nếu Baudelaire không giới thiệu ông, đưa ông vào văn chương châu Âu. Ở đây ta đừng quên nhận xét rằng vinh quang toàn cầu của Poe chỉ yếu hoặc bị tranh cãi ở chính quê hương ông và nước Anh. Nhà thơ Anglo-Saxon này bị chính chủng tộc của mình khinh bỏ.

Một nhận xét nữa:* Edgar Allan Poe và Baudelaire trao đổi giá trị cho nhau*. Mỗi người cho người kia cái mình có và nhận từ người kia cái mình không có. Người trước truyền cho người sau cả một hệ thống suy tư mới và sâu sắc. Ông khai sáng cho anh ta, làm phong phú cho anh ta, hướng lối cho cái nhìn ​​của anh ta về cơ số chủ đề: triết lý sáng tác, lý thuyết về cái nhân tạo, sự hiểu và sự kết án cái hiện đại, tầm quan trọng của cái dị thường, tư thế quý tộc, thần bí, gu về sự thanh lịch và chính xác, thậm chí cả chính trị - Baudelaire đã được khơi cảm hứng và trở nên sâu hơn nhờ thế.

Đổi lấy những gì mình nhận được, Baudelaire đã cho suy tư của Poe một sự mở rộng vô biên. Ông dâng nó cho tương lai. Sự mở rộng ấy là nhờ sự dịch và những lời giới thiệu của Baudelaire; tiếp tục trong dòng lớn của Mallarmé, sự mở rộng ấy vẫn gắn với cái bóng của Poe bất hạnh.

Tôi sẽ không xem xét tất cả những gì văn chương có được nhờ ảnh hưởng của nhà phát minh kỳ diệu này. Dù ta nhìn vào Jules Verne và các môn đệ cùng Gaboriau và những người tương tự ông hay, ở những phong cách cao hơn hẳn, ta xem xét các tác phẩm của Villiers de I’Isle-Adarn và của Dostoevsky, ta vẫn sẽ thấy sừng sững Những cuộc phiêu lưu của J. Gordon PymBí ẩn phố nhà xácLigeia và Trái tim kể chuyện: những hình mẫu được bắt chước miệt mài, được nghiên cứu kỹ lưỡng và không bao giờ có thể vượt qua.

Tôi chỉ còn một câu hỏi: thơ Baudelaire và thơ Pháp nói chung đã lấy được gì nhờ khám phá ra các tác phẩm của Poe. Một số bài trong Fleurs du Mal lấy cảm xúc và chất liệu từ những bài thơ của Poe. Một số chứa các chuyển vị khít khao nhưng tôi sẽ bỏ qua những vay mượn ấy - tầm quan trọng của chúng, theo nghĩa nào đó, chỉ có tính cục bộ. Tôi sẽ chỉ giữ lại cái cốt yếu, chính là cái ý về thơ mà Poe đã gò nên. Khái niệm của ông, được trình bày trong nhiều tiểu luận khác nhau, là nhân tố chính cho sự biến đổi các ý và nghệ thuật của Baudelaire. Quá trình lên men của lý thuyết sáng tác này trong tinh thần Baudelaire, những bài học mà ông rút ra từ nó, những phát triển nó nhận được từ hậu thế tinh thần của ông và đặc biệt là giá trị nội tại lớn lao của nó đòi hỏi chúng ta phải dừng một chút để xem xét nó.

Tôi sẽ không che giấu sự thật là nền tảng suy tư của Poe gắn liền với một hệ thống siêu hình cá nhân nào đó. Nhưng hệ thống này, dẫu chỉ đạo, chi phối và gợi ý các lý thuyết ta đang xét, đã không hề xuyên vào chúng. Nó làm sinh ra chúng và giải thích sự sinh ra ấy; nó không cấu thành chúng.

Các ý của Poe về thơ được trình bày trong nhiều tiểu luận, trong đó quan trọng nhất (nhưng ít liên quan nhất đến kỹ thuật thơ tiếng Anh) là Nguyên tắc thơ. Baudelaire bị ấn tượng bởi tiểu luận này tới độ coi nội dung của nó - và không chỉ nội dung mà cả hình thức - như tài sản riêng của mình.

Con người không thể không chiếm lấy những gì như được tạo ra cho mình đến mức thấy nó như chính mình tạo ra. Xu hướng bất khả chống cưỡng của anh ta là chiếm luôn những gì vừa khít mình và chính ngôn ngữ, dưới danh nghĩa sở hữu, cũng lẫn lộn cái vừa khít với một người và tài sản của người đó.

Baudelaire, dù được khai sáng và bị ám bởi lý thuyết *Nguyên tắc thơ *- hay nói đúng hơn, chính vì được khai sáng và bị ám - đã không đưa bản dịch tiểu luận này vào bản in các tác phẩm của Poe nhưng đã đưa phần thú vị nhất, hầu như bê nguyên, vào lời nói đầu bản dịch cuốn Histoires Extraordinaires của Poe. Vụ đạo văn này sẽ đáng đem ra mổ xẻ nếu chính tác giả không lôi kéo sự chú ý vào đó: trong một bài báo về Théophile Gautier, ông đã chép lại toàn bộ đoạn văn nói trên, với lời mào thẳng băng và gây kinh ngạc sau: “Tôi tin rằng đôi khi ta được phép trích dẫn chính mình để tránh phải viết lại mình. Do đó, tôi sẽ nhắc lại…” Tiếp đó là đoạn văn đi mượn.

Vậy thì, khái niệm của Poe về Thơ là gì?

Tôi sẽ tóm tắt thật gọn ý của ông. Ông phân tích những yêu cầu tâm lý của bài thơ. Trong số đó, ông xếp những yêu cầu phụ thuộc vào kích thước của tác phẩm thơ lên hàng đầu. Ông đặc biệt nhấn mạnh việc tính toán độ dài bài thơ. Không chỉ thế, ông còn xem xét chính ý niệm khởi phát của nó. Ông cho rằng tồn tại một số lượng lớn các bài thơ gắn với những chủ đề thực ra chỉ cần văn xuôi là đủ. Lịch sử, khoa học hay luân lý đều không gặt được gì khi được trình bày bằng ngôn ngữ của tâm hồn. Thơ mô phạm hay thơ lịch sử, dù được các nhà thơ vĩ đại nhất tôn vinh và thánh hóa, chỉ là sự kết hợp quái đản các chất liệu của kiến thức hoặc thực nghiệm với các sáng tạo của nội tâm và các lực tình cảm.

Poe hiểu rằng thơ hiện đại phải tuân phục xu hướng của một thời đại càng lúc càng phân biệt rạch ròi giữa các hình thức và các lĩnh vực hoạt động. Ông hiểu rằng nó có thể tuyên bố nhận ra đối tượng của mình và tự tạo ra chính mình, ở một mức độ nào đó, trong trạng thái thuần.

Như vậy, bằng việc phân tích các yêu cầu của khoái lạc thơ và định nghĩa “thơ tuyệt đối” bằng “sự kiệt cùng”, Poe đã chỉ ra một con đường và dạy một học thuyết hết sức chặt chẽ và hấp dẫn, trong đó ông hợp nhất một dạng toán học với một dạng thần bí.

Nếu giờ ta xem xét Les Fleurs du Mal như một tổng thể và bỏ công so sánh tập thơ này với các thơ khác cùng thời, ta sẽ không ngạc nhiên khi thấy tác phẩm của Baudelaire hoàn toàn khớp với những lời dạy của Poe và do đó khác hẳn các sản phẩm của Lãng mạn. Les Fleurs du Mal không có lịch sử hay huyền thoại; không có gì dựa trên tự sự. Không có những cú bay vào triết học. Chính trị hoàn toàn vắng mặt. Các miêu tả rất hiếm và luôn luôn trúng. Tất cả ở đây là quyến mị, âm nhạc, là nhục cảm áp chế và trừu tượng - “Luxe, forme et volupté.”

Những bài thơ đỉnh cao của Baudelaire là sự kết hợp giữa thể xác và tinh thần, pha trộn giữa trang trọng, ấm áp và cay đắng, giữa vĩnh cửu và thân mật, liên minh cực hiếm của ý lực và sự hài hòa - chính điều này khiến chúng khác hẳn thơ Lãng mạn cũng như thơ Parnassian. Những người Parnassus không quá thiện hảo với Baudelaire. Leconte de Lisle chế ông là bất lực. Ông ta quên rằng sức sản sinh đích thực của một nhà thơ không nằm ở số lượng bài thơ mà nằm ở tác động của nhà thơ ấy. Điều đó chỉ có thể được đánh giá khi có đủ thời độ. Ngày nay, sau hơn sáu mươi năm, vọng âm tác phẩm độc đáo và rất mỏng của Baudelaire vẫn tràn ngập toàn bộ cõi thơ, nó vẫn đầy sức ảnh hưởng, không thể bỏ qua, được củng cố bởi một số lượng đáng kể các tác phẩm sinh ra từ đó - không phải bắt chước nó mà hồi ứng nó. Do đó, để công bằng, cần phải nối vào cuốn sách mỏng Les Fleurs du Mal một số tác phẩm hạng nhất và một vài trong những thí nghiệm sâu sắc và tinh tế nhất mà thơ từng thực hiện. Ảnh hưởng của Poèmes antiques và Poèmes barbares [tác phẩm cúa Leconte de Lisle] ít đa dạng hơn và ít gây kinh ngạc hơn nhiều.

Tuy nhiên, cần phải thừa nhận rằng chính ảnh hưởng này, nếu tác động lên Baudelaire, có lẽ sẽ ngăn cản ông viết hoặc giữ lại một số câu thơ rất cẩu thả có trong cuốn sách. Trong số mười bốn dòng của bài sonnet “Recueillement”, một trong những tác phẩm quyến mị nhất của ông, có năm hay sáu dòng mà, trước sự ngạc nhiên lần nào cũng như lần nào của tôi, kém không thể chối. Nhưng những câu đầu và cuối của bài thơ này kỳ diệu đến mức chúng ta không cảm nhận được sự kém cỏi của phần giữa và sẵn sàng coi nó như không. Chỉ một nhà thơ rất lớn mới có thể tạo ra một phép mầu thuộc dạng này.

Một phút trước tôi đã nói về việc tạo ra “sự quyến mị” và bây giờ tôi lại bật ra từ “phép mầu”. Chắc chắn đây là những từ phải được dùng rất tiết chế vì độ mạnh nghĩa và sự dễ dùng của chúng, nhưng quả thật tôi không biết có cách nào để thay chúng đi ngoại trừ bằng những tương ứng quá dài và chắc sẽ gây tranh cãi đến mức có lẽ tôi sẽ được tha thứ khi không bắt độc giả phải nghe và không bắt mình phải nói. Tôi sẽ vẫn mơ hồ, gợi hơn là vạch ra các công tua. Cần phải nói rằng ngôn ngữ chứa đựng những nguồn lực tình cảm trộn lẫn với những đặc tính thực tế và có ý nghĩa trực tiếp. Nghĩa vụ, công việc, chức năng của nhà thơ là làm nổi lên và kích hoạt những sức mạnh mê hoặc này, những kích thích đối với tình cảm và trí năng mà trong ngôn ngữ thông thường vẫn bị trộn lẫn với những dấu hiệu và phương tiện giao tiếp của cái sống hời hợt, đơn điệu. Bằng cách ấy, nhà thơ hiến và đốt mình trong sứ mệnh xác định và xây dựng một ngôn ngữ bên trong ngôn ngữ; và công việc này - lâu dài, khó khăn và tinh tế, đòi hỏi sự đa dạng lớn về phẩm chất tinh thần, về cơ bản là không bao giờ xong được - thường khuôn tạo lời của một tạo vật tinh thuần hơn, mạnh và sâu hơn trong suy nghĩ, mãnh liệt hơn trong cái sống, tinh tế và khoái hoạt hơn trong ngôn ngữ so với bất kỳ con người thật nào. Lời này hiện ra và được nhận ra bởi nhịp điệu và các hòa âm duy trì nó, nó phải gắn bó mật thiết, thậm chí gắn bó một cách bí ẩn với nguồn gốc của nó đến độ âm thanh và nghĩa không còn có thể tách rời, chúng hồi ứng nhau vô tận vô cùng trong ký ức.

Thơ của Baudelaire vẫn còn giữ được độ dày và thăng nhờ vào sự đầy và sắc nét khác thường của âm sắc. Đôi khi, giọng ấy cũng lao vào những cơn hăng hùng biện, như vẫn hơi quá thường thấy ở các nhà thơ thời đó; nhưng nó hầu như luôn giữ được và phát triển một giai điệu tinh thuần đáng ngưỡng mộ và một âm vang được duy trì hoàn hảo, giúp phân biệt nó với tất cả văn xuôi.

Về điểm này, Baudelaire chống mạnh xu hướng về tầm thường phong cách vốn đã có trong thơ Pháp từ giữa thế kỷ 17. Một điểm chú ý nữa: người mà chúng ta mang ơn sự trở lại của yếu tính thơ lại cũng là một trong những nhà văn Pháp đầu tiên dành cho âm nhạc sự chú tâm nồng nhiệt. Tôi nhắc đến mối quan tâm ấy, thể hiện qua các bài báo nổi tiếng về Tannhäuser và Lohengrin, là bởi những phát triển về sau trong ảnh hưởng của âm nhạc đối với văn học - “có thể tóm lược khá đơn giản những gì được báp-têm là Tượng trưng trong ý hướng chung của một số tinh thần thơ: lấy lại từ âm nhạc những gì thuộc về họ.”

Để việc giải thích tầm quan trọng của Baudelaire ngày nay ít kém chính xác hơn và ít khuyết thiếu hơn, tôi cần nhắc lại vai trò của ông ở tư cách nhà phê bình nghệ thuật. Ông rất hiểu Delacroix và Manet. Ông tìm cách đo giá trị tương ứng của Ingres và đối thủ của họa sĩ này cũng như so sánh các “thực tại luận” khác nhau của Courbet và Manet. Đối với Daumier vĩ đại, ông có một sự ngưỡng mộ mà hậu thế đồng tình. Có lẽ ông đã phóng đại giá trị của Constantin Guys. Nhưng, về tổng thể, các đánh giá của ông, luôn luôn được thúc đẩy và đi kèm cùng những suy tư tinh tế và sâu sắc về hội họa, vẫn là những hình mẫu của thể loại, vốn dễ dãi khủng khiếp và do đó khó khủng khiếp.

Nhưng vinh quang lớn nhất của Baudelaire, như tôi đã trình bày ở phần đầu, chắc chắn là việc ông đã khơi cảm hứng cho nhiều nhà thơ vĩ đại. Cả Verlaine, Mallarmé và Rimbaud đều không thể khuôn tạo mình nếu không đọc Les Fleurs du Mal ở độ tuổi quyết định. Có thể dễ dàng chỉ ra trong cuốn sách này những bài thơ mà hình thức và cảm hứng báo trước một số tác phẩm của Verlaine, Mallarmé hoặc Rimbaud. Nhưng cái đó quá dễ thấy nên tôi sẽ không đi vào chi tiết. Chỉ cần chỉ ra rằng cảm giác về sự thân mật và sự hùng mạnh, kết hợp rất khó giữa tình cảm thần bí và nỗi cuồng nhục thể được phát triển ở Verlaine; cơn điên trốn chạy, sự nôn nóng kích động bởi vũ trụ, ý thức sâu sắc về các cảm giác và sự cộng hưởng hài hòa của chúng - điều khiến Rimbaud tràn đầy năng lượng và sống động đến thế: tất cả những điều này đều hiện diện rõ ràng ở Baudelaire.

Về phần Stéphane Mallarmé, mà ta có thể lầm những bài thơ đầu tiên là những tác phẩm đẹp nhất và cô đọng nhất trong Les Fleurs du Mal, ông theo đuổi, ở một trình độ rất cao, những thử nghiệm hình thức và kỹ thuật mà các phân tích của Poe cũng như các tiểu luận và bình luận của Baudelaire đã gợi ra. Nếu như Verlaine và Rimbaud kế tục Baudelaire ở trật tự tình cảm và cảm giác thì Mallarmé tiếp tục công việc của ông trong địa hạt của sự tựu thành cái hoàn hảo và sự tinh thuần của thơ.

Anh Hoa dịch

Tags: Paul Valéry Baudelaire Anh Hoa