Đang

25-8-2023

Tại sao Isabel khóc?

“Tôi đã không hề lừa dối anh! Tôi hoàn toàn tự do!” Isabel kêu lên với người đàn ông. Nàng biết mình không sai nhưng tại sao nàng lại muốn tự biện hộ? Nàng hẳn sẽ thấy thoải mái hơn nếu anh giận dữ và trách cứ nàng, nhưng chẳng có gì ngoài một sự cam chịu sắt đá. Anh thông báo mai mình sẽ đi - vậy mà anh chỉ vừa đến tối qua - chuyến vượt biển không hề dễ chịu. “Tôi rất vui được nghe điều đó!” nàng nồng nhiệt đáp. Năm phút sau khi anh đi, nàng bật khóc.

Một lần khác, xa xôi như đã thuộc về một cuộc đời khác, Isabel đứng quay lưng về phía người đàn ông - tấm lưng óng ả, chiếc cổ trắng ngần và những bím tóc dày. Chuyển động của nàng thật trẻ trung, thật tự do - một sự nhẹ nhõm như đang chế giễu những nặng nề của thế giới. Nhưng hai mắt nàng lúc này đã chẳng còn thấy gì nữa; nước mắt bỗng từ đâu ậng lên. Khi người đàn ông tiến đến, lệ đã khô. Trên khuôn mặt tái nhợt, đôi mắt nàng phát ra một ánh sáng lạ thường.

                Tại sao Isabel khóc?

Nàng khóc và nàng sợ chính mình. Sinh vật can đảm, kiêu hãnh, khoái hoạt ấy những lúc như thế bỗng thấy đất dưới chân như chao đảo. Nàng không hiểu, và nàng biết xung quanh, ai ai cũng mờ mịt như nàng.

Bởi vì đó là hoàng hôn - suy sụp của một thế giới. Ai cũng cảm thấy chập chờn nơi chân trời một cuộc chuyển đất rung trời sẽ lật tung trật tự còn thoi thóp. Nó vẫn đủ xa để người ta có thể đùa về nó, nhưng đủ gần để bất kỳ ai cảm thấy nó đều không thể tiếp tục đạo mạo ngồi yên vị trí của mình. Lúc đờ đẫn, khi riết róng, người ta trông chờ một dấu hiệu nào cho thấy chuyển động của lịch sử. Bị bật rễ khỏi mọi nền tảng nhất thiết của thế giới cũ nhưng lại chẳng thể nào tìm được một xác tín nơi cái thế giới đang đắc thắng sải bước mà chẳng một lần ngoái lại phía sau, chẳng có cảm nhận gì về vực thẳm đang chờ nó, người ta không còn biết phải nhìn vào đâu để đánh giá giá trị, để biết mình là ai, mình thuộc về đâu.

“Chẳng có chỗ tự nhiên nào cho phụ nữ trên trái đất này” - Madame đầy kinh nghiệm nói với Isabel - quý cô sinh ra ở Tân Thế Giới nhưng tâm hồn lại được nuôi dưỡng bằng triết học Đức và văn chương Anh cùng hình bóng người cha tôn sùng văn minh Cựu Thế Giới. Nàng cảm thấy sự suy sụp của nó, nhưng - không như những người bạn Mỹ của nàng - nàng cũng thấy cả chiều sâu thâm trầm của văn minh ấy - thứ không thể chỉ một hay một vài đời người mà gây dựng được. Không ngạo nghễ cũng chẳng thương vay, nàng chỉ băn khoăn - mối băn khoăn gộp chung số phần mình và chuyển động lịch sử. Nàng biết mình phải đi tìm dù không rõ mình tìm gì. Người khác - và cả chính nàng, những khi cố lý giải - gọi nó bằng đủ cái tên: vinh quang, phiêu lưu, trí tuệ - cái tên nào cũng quá nhiều, đồng thời quá ít. Có lúc nàng tự hỏi mình là ai mà dám từ chối một cuộc hôn nhân - một vị trí mà mọi cô gái đều ao ước. Nhưng luôn luôn nàng biết cái nàng nhắm đến không phải là một cuộc chinh phục hiển hách - ít nhất nếu đó là chinh phục thì cũng chẳng có gì chung với những gì người ta vẫn hình dung. Nàng chỉ có thể ở được một chỗ đúng là của mình - và nàng chấp nhận từ trước rằng có lẽ nó không tồn tại trong thế giới chẳng còn thấy chân trời này; nàng đã sẵn sàng thả mình trôi theo dòng - làm một người quan sát lướt qua hý trường thế giới.

                Định mệnh - đó là điều Isabel đi tìm - cũng là điều lịch sử đi tìm.

“Các vị ai cũng sống như thế, nhưng để rồi dẫn đến đâu?” nàng nói với những người Mỹ exiled cứ mỗi Chủ nhật lại xốc lại tồn tại èo uột trống rỗng của mình bằng những thăm viếng hỉ hả và phán truyền đạo mạo. A, họ tưởng họ vẫn đang nghễm nghện trên đỉnh những sóng cồn lịch sử! Họ tưởng thoát được khỏi trung tâm chuyển động để đến một mảnh đất có lẽ vững hơn nghĩa là nghiễm nhiên được chép miệng phán xét chuyển động ấy - từ trên cao. Cái xuẩn vừa đạo mạo vừa ngơ ngác của các đồng hương leng keng cái mác “quốc tế” làm Isabel phát cáu nhưng có lẽ khiến nàng bật cười nhiều hơn. Nhiều hay ít, nàng cũng chung cảnh họ. Không có - giống như trong thế giới Middlemarch, một đối lập sắc giữa cá nhân đòi tự do và luân lý đè nén, giữa xã hội tỉnh tù đọng và một “bên ngoài” nơi lịch sử cuồn cuộn hiện hình. Trong thế giới hoàng hôn của Isabel, mọi bức tường đã sụp, và chẳng còn chân trời nữa. Sự chóng mặt - dẫu được che đậy những hay được đối mặt và chấp nhận như điều kiện của cái sống - vẫn ở đó. Nó cười khanh khách khi nàng đùa về sự trôi dạt; nó thản nhiên nhìn khi nàng bật khóc vì sợ chính mình, vì đột nhiên bị một cảm giác tội lỗi không cách nào lý giải tóm lấy. Ai có thể tự nhận mình là tuyệt đối trung thực trong thế giới ấy - kể cả, và nhất là khi người ta chẳng muốn nói gì ngoài sự thật? Hiện Đại là như thế: luôn có quá ít sự thật trong sự thật.

Nhưng Isabel biết chắc một điều: những gì đang tàn tạ luôn quáng quàng đắp lên mình mọi thứ gì trông có vẻ lấp lánh vững vàng. Chẳng phải các đồng hương của nàng đã ùa từng đàn đến châu Âu như tìm bùa hộ mệnh đấy sao? Tân Thế Giới và Cựu Thế Giới chỉ là hai mặt dắt díu cầm cự nhau trong cùng cơn lốc xoáy. Vấn đề không phải là chọn một trong hai cái đó - bởi vì cái này thì cũng chính là cái kia, dù chúng trông như là đối lập nhau. Vấn đề là phải giữ mắt mở mà trông tìm một chân trời, trong bóng tối đang chụp xuống.

Tự Nhiên - đó là hy vọng cuối cùng: một cái cây rễ cắm sâu xuống đất, thân vươn cao hướng về ánh sáng: bên ngoài thuần nhất với bên trong. Những điểm đót quáng quàng dẫu hào nhoáng, tinh xảo đến đâu cũng vẫn không che được sự thiếu tự nhiên - thiếu tự nhiên và thiếu tự tín. Isabel cảm thấy điều đó ở những người quanh mình và có lẽ chính mình: “kiến thức ít ỏi cùng những lý tưởng phóng đại, sự tự tin vừa ngây thơ vừa giáo điều, tính khí vừa khắt khe vừa dễ dãi, nàng là sự pha trộn giữa tò mò và khó tính, phấn khích và thờ ơ” - Henry James đã không hề nhẹ tay với nữ anh hùng của ông.

Nhưng nàng có thể tìm được nơi nào để bắt rễ trong một thế giới chao đảo đến độ này - cái chao đảo, chính bởi chưa hề hiện ra nơi bề mặt sự kiện, càng khủng khiếp với những ai cảm thấy nó - cảm thấy mà không sao cắt nghĩa nổi chứ chưa nói đến việc “vượt qua”. Ta có một cặp: Isabel - cô gái tiến vào thế giới với lòng kiêu hãnh và can đảm sống mãnh liệt và anh họ nàng - người từ đầu đã chọn cho mình vị trí kẻ quan sát không hành động, làm một người đã chết ngay khi đang sống. Isabel là người cảm thấy - ở mức rung cùng nhịp - cái suy sụp của hoàng hôn, nhưng anh họ nàng - kẻ không sống, kẻ nhìn thấy ma - mới là người nhìn thấy ý nghĩa con đường của nàng, ý nghĩa mà nàng bật ra thành lời nhưng không thực sự hiểu. Và cũng chính anh tạo ra điều kiện để tung Isabel vào sân khấu lớn, để nàng thực sự trở thành một thí nghiệm của lịch sử.

Anh không phải là người duy nhất trông chờ ở Isabel một màn biểu diễn vô song. Dẫu thán phục hay khó chịu, bất kỳ ai cũng thấy ở nàng một nguồn sống khác thường - nó không biểu hiện sỗ sàng như ở nữ ký giả bạn nàng nhưng ẩn dưới sự kín đáo, mềm mại, nhiều băn khoăn của nó là can đảm đích thực, bởi vì nó không chấp nhận bất kỳ uy quyền hay công thức có sẵn nào, dù sẵn sàng công nhận cái mạnh, cái đẹp của chúng. Vẽ một phụ nữ là câu trả lời của một thời đại khác, một ý thức lịch sử khác cho Middlemarch - tác phẩm, với Henry James, xác định giới hạn của tiểu thuyết Anh: mức cao nhất nó có thể đạt và không vượt qua được nữa. Isabel, tất nhiên, cũng là độc giả của George Eliot. Nàng đã thấy bi kịch của Dorothea - người con gái tỏa ngát hương thơm sự thánh thiện và khiến ta tin vào sự bất tử của tâm hồn, nhưng nàng không có ý định lao đầu vào cái đẹp bi kịch ấy. “Cô muốn uống cho kỳ cạn cái cốc kinh nghiệm.” “Không, tôi không muốn chạm vào cái cốc ấy đâu đâu. Đó là rượu độc! Tôi chỉ muốn nhìn mọi thứ bằng đôi mắt của chính mình.” Nàng sẽ thấy gì - nàng không biết, có lẽ không gì cả; nhưng nàng nhất định không chịu ru ngủ mình trong ảo tưởng, dù đẹp đến đâu.

Can đảm của Isabel - cái gan, cũng có thể gọi là cái liều của nàng - nằm ở chỗ dám đi trong sương mù, dám buông mình cho một điều mà chính nàng chỉ có cảm nhận lờ mờ:

“Cái lý do mà tôi không muốn nói với anh - được, giờ tôi sẽ nói. Lý do ấy là tôi không thể thoát khỏi số phận mình.” […] “Tôi không hiểu. Tại sao kết hôn với tôi không thể là số phận của cô - cũng như bất cứ điều gì khác?” “Bởi vì đơn giản là không phải,” giọng Isabel dịu dàng tha thiết. “Tôi biết là không phải.” […] Rồi nàng đột ngột ngừng lời, cau mày nhìn xuống, như thể biết có cố thế nào cũng không cắt nghĩa cho anh hiểu được." “Không, tôi không ham gì một cuộc đời đau khổ,” Isabel nói. “Tôi luôn quyết tâm để được hạnh phúc và tôi thường tin mình sẽ hạnh phúc. […] Nhưng hết lần này đến lần khác, cái ý nghĩ ấy ập lên tôi - rằng tôi không bao giờ có thể hạnh phúc theo bất kỳ cách nào khác bình thường; không phải bằng cách quay đi, bằng cách tách mình ra […] Khỏi cuộc sống. Khỏi những cơ hội thông thường và nguy hiểm, khỏi những gì phần đa con người phải kinh qua và chịu đựng.”

Những lời này - thốt lên khi Isabel mới chỉ rời nhà ít lâu - vẫn hằn dấu những ý hỗn loạn mà nàng quáng quàng thu nhận từ đủ mọi nguồn. Nàng vẫn dùng những từng đi mượn, nhưng cảm nhận của nàng là thật: nàng phải sống, và cái sống ấy không thể diễn ra trong một nhà kính đặc quyền. Isabel hoàn toàn không phải một nhà cách mạng hay một triết gia tìm cách diễn giải chuyển động lịch sử, nhưng trong người phụ nữ ấy, số phận cá nhân và lịch sử dường như không thể tách rời. Câu chuyện của nàng - bởi vì được xây dựng trên sự từ chối mọi câu chuyện có sẵn - sẽ là câu chuyện của thời nàng.

Ít có nhân vật tiểu thuyết nào khơi gợi ở kẻ khác ham mê thí nghiệm và quan sát như Isabel. Ai cũng muốn xem nàng sẽ làm gì với đời mình và không tiếc công thiết kế cho nàng những phép thử lớn. Anh họ nàng tin rằng nàng sẽ thực hiện một cuộc chinh phục thế giới - sẽ chiến đấu và chiến thắng vinh quang. Madame Merle - một nhân vật hết sức phức tạp - muốn thấy lòng kiêu hãnh của nàng bị nghiền nát và lòng tin của nàng vào cuộc đời bị hủy hoại: dưới áp lực của những kinh nghiệm ghê gớm - mà chính Madame hẳn đã kinh qua, nàng sẽ không thể dương dương tự đắc mà đứng thẳng nữa, nàng sẽ phải bò như mọi con sâu cái kiến trên đời. Người bạn ký giả cũng nói thẳng với nàng rằng nàng vẫn quá nhiều ảo tưởng, vẫn chưa thực sự tiếp xúc với thực tế - với những vất vả, khổ đau, tội lỗi của nó; nàng vẫn nghĩ có thể luôn chiều ý người khác đồng thời chiều ý chính mình; và đặc quyền đó là không được phép, thậm chí vô đạo đức. Tất cả họ đều tìm cách làm cho Isabel hiểu rằng nàng phải sống, không thể trốn tránh, nhưng cái sống của nàng sẽ gây bất ngờ và khó hiểu cho tất cả những người quan sát - sẽ vượt quá mọi hình dung của họ.

Isabel lướt đi, lướt đi - không thực sự trông chờ điều gì, chấp nhận rằng có thể mình sẽ không bao giờ dừng lại. Tại sao nàng lại dừng - dừng sớm đến thế? Vì tình yêu chăng? Không thể. Trước đó nàng đã biết mình thích nhà quý tộc Anh - khó ai có thể vừa ý nàng hơn, nhưng cũng chính vì thế mà nàng cự tuyệt anh. Hay bởi viễn tượng một cuộc tuẫn đạo anh hùng - nàng muốn hiến mình cho một lý tưởng cao cả giống như Dorothea? Cũng không, nhất là khi nàng đã đọc Middlemarch và không ao ước một cuộc đời bi thảm. Osmond có những điểm giống Casaubon - đúng thế, nhưng rất khác. Công trình nghiên cứu vô vọng của Casaubon chỉ là cái đuôi cùng quẫn của một nền học thuật đã không còn sức sống - sự khô kiệt của nó hiện ra ở chính con người Casaubon. Còn Osmond - đó là sức sống, là sự tự nhiên đạt được nhờ một trình độ văn hóa cao vời, hòa hợp tuyệt đẹp với sự tự nhiên của bản tính nguyên sơ nơi cô con gái. Osmond và cô bé Pansy là chốn ẩn trú và hy vọng của văn hóa trong thế giới hoàng hôn - nơi văn hóa hoặc bị quy về những giá trị thực dụng không chiều sâu, hoặc chỉ còn là những vẻ cầu kỳ giả tạo không sức sống. Osmond là người đàn ông duy nhất Isabel chịu nộp mình để bị nhìn và tuân phục hoàn toàn uy quyền của cái nhìn ấy. Căn phòng của Osmond, nơi văn hóa có một hiện diện vật chất vừa cao khiết vừa sống động, nơi người ta có thể thực sự sống trong cái đẹp là một chân trời khôn cùng đối với Isabel. Có lẽ nàng thực sự tin mình đã tìm được mảnh đất để bắt rễ, để sống trong một thế giới đang chao đảo.

Chỉ là có lẽ, bởi Henry James không bao giờ hé lộ động cơ nhân vật theo đường lối xác quyết như thực tại luận Balzac hay George Eliot. Cả những hành động quyết liệt nhất vẫn có vẻ đầy mâu thuẫn và bất định - nhân vật hành động, biết rằng hành động ấy là không thể khác và đôi khi gọi đó là định mệnh, dù không thể lý giải vì sao. Thế giới Middlemarch dẫu sao vẫn có một hình dung rõ ràng về ánh sáng: trong sâu thẳm, tâm hồn biết như thế nào là đúng và đấu tranh với cám dỗ để hành động theo đó; còn ở đây, tất cả bị bao bọc trong nhập nhoạng. Ta không thấy sự choáng váng của cuộc gặp định mệnh hay phút gay cấn của quyết định. Ta chỉ thấy, trước đó: sự bình lặng phập phồng những điều không thể nói thành lời và sau đó: những rối bời cố cắt nghĩa một bước đi về cơ bản là không thể hiểu. Ta thấy Isabel cố giải thích - cho người khác và cho cả chính mình - vẫn kiêu hãnh như thế, vẫn tự chủ như thế. Rồi ta thấy nàng bật khóc, sau khi họ đã đi.

                Nhưng tại sao Isabel khóc? Và quyết định ấy nhen nhóm trong nàng từ khi nào?

Ta lần lại những trang trước cố tìm manh mối và ta ngẩn ngơ. Phập phồng dưới những đối thoại phơ phất dường như là những lời tiên tri không được hiểu. Cũng như với nhiều tác phẩm khác, Henry James sửa rất kỹ câu chuyện về Isabel trước khi cho tái bản: bản sau bao giờ cũng mơ hồ lơ lửng hơn bản đầu. Người kể chuyện càng lúc càng tiến lại gần nhà ký họa: đây là những gì chúng ta thấy, nhưng điều gì thực sự xảy ra, ta có thể biết được ư? Và chính họ - các nhân vật - họ có biết không? Sự bất khả tri này nằm ở trung tâm thực tại luận của James - một thực tại luận chối từ bi kịch. Bi kịch của James bao giờ cũng trượt về phía hài kịch. Câu chuyện đi tìm của Isabel hoàn toàn có thể là câu chuyện chạy trốn - trốn khỏi gọng kìm của chàng thanh niên người Mỹ để rồi tự nộp mình cho một uy lực khác còn bạo chúa hơn. Nếu có điều gì thực sự mang tính bước ngoặt trong quyết định của nàng thì đó là việc nàng nhận ra rằng mình không thể lẩn tránh trốn chạy mãi, không thể mãi làm người quan sát. Nàng đã chọn, và phần còn lại của câu chuyện là việc nàng sống với lựa chọn của mình.

Khi chưa chọn, nàng đầy sợ hãi, và cả lựa chọn của nàng cũng rối bời. Rồi sau đó: đau khổ, nhục nhã, tuyệt vọng, bất lực. Isabel kiêu hãnh không còn nữa. Hay chính vì thế - chính vì không lẩn trốn nữa, không sợ hãi mơ hồ nữa mà nàng càng kiêu hãnh. Giờ thì nàng đã biết: sống là như thế; nàng đã có thử thách của mình, số phận của mình: nàng đã có một cuộc đời con người.

Hành động - đó là vấn đề trung tâm của tiểu thuyết. Lukács, trong Lý thuyết tiểu thuyết, nói rằng chỉ khi một người hành động thì nội dung đích thực của ý thức anh ta mới tìm được biểu hiện của nó dẫu anh ta có nhìn thấy nội dung ấy hay không, dẫu anh ta có bao nhiêu hiểu lầm về nó. Ý thức bao giờ cũng chậm. Người ta hành động rồi mới đạt được ý thức về nó.

Trong tiểu thuyết cổ điển luôn có hai tư thế đặt trong đối lập: một là tách hẳn mình khỏi cuộc đời, làm người quan sát khắc kỷ và trung thực; hai là lao vào đó để rồi thấy mọi ảo tưởng tiêu tan - bị nghiền nát hay được tôi luyện để đạt được phẩm chất đích thực. Hai tư thế này đối lập nhưng không thể tách rời. Kẻ nào chưa từng bước vào và đi qua bóng tối, chưa từng kinh qua thử thách của mình thì những quan sát của kẻ đó chỉ là một thứ trứ thuật khô kiệt và nghiệt ngã. Phải sống - phải chia sẻ số phần chung của con người, phải thấy những đau khổ, dối trá, tội lỗi, nhục nhã ở chính mình và kẻ khác, không được ngoại lệ. Ở thực tại luận Balzac, chẳng hạn trong Hết ảo tưởng hay Miếng da lừa, đó là tất yếu giáng xuống mọi con người - con đường của nó là cám dỗ và dục vọng. Trong thế giới của Henry James, sống được cảm nhận như một mệnh lệnh đạo đức, một tất yếu không thể tránh, và cái được tô đậm không phải là nỗi khốn cùng khi mọi ảo tưởng đã tan biến mà là việc người ta làm gì sau đó - phải tiếp tục sống ra sao. Trong một thế giới không bi kịch, vấn đề không còn là phải chết mà là phải sống (và được chết). Thường xuyên, James để nhân vật quyết định không thoát ra, không chạy khỏi bất hạnh dù hoàn toàn có quyền và cơ hội làm thế. Họ quyết định như vậy không phải vì lòng thương xót như Dorothea trong Middlemarch mà như thể họ phải sống đến cùng lựa chọn của mình, kể cả khi - nhất là khi - không thể vờ rằng đó là bi kịch. Quyết định này - cũng như lựa chọn ban đầu của họ - suy cho cùng là không thể lý giải. Đó là bí ẩn mà sống dành cho họ, cũng là cho người đọc. Một chương đời kết thúc nhưng câu chuyện không kết thúc. Câu hỏi về định mệnh, về ý nghĩa của hành động cùng cảm giác về hoàng hôn vẫn chập chờn ở đó - chẳng bao giờ hiện rõ cũng không bao giờ buông tha. Tiểu thuyết, với James, không đóng. Nó khăng khăng từ chối nhả ra một câu trả lời xác quyết, dẫu chỉ là tạm thời, dẫu chỉ là về một chương đời. Nhưng chính bởi thế mà sự mơ hồ của nó có một tồn tại ám ảnh như những bóng ma. Câu hỏi và bí ẩn của những chương đời ấy - một khi được nhận ra - trở thành câu hỏi và bí ẩn cho chính chúng ta, câu chuyện của chính chúng ta.

Anh Hoa

Tags: Henry James George Eliot Balzac Lukács Anh Hoa